Tổng quan về ngành Quản lý Khách sạn - Nhà hàng và nhu cầu nhân lực tại Việt Nam
Tại Việt Nam, chỉ cần nhìn vào đà tăng trưởng của các khách sạn hiện nay để thấy được rằng, nguồn nhân lực nắm giữ vị trí quản lý khách sạn, nhà hàng ngày càng được quan tâm đặc biệt hơn bao giờ hết.
Nghề quản lý khách sạn, cũng như nhiều nghề hấp dẫn thuộc hàng “top” như bác sĩ, công nghệ thông tin, ngân hàng, tiếp viên hàng không… dù đã qua một thời được tôn vinh vị trí độc tôn để rồi luân chuyển cho những nghề hấp dẫn nhất theo từng năm, nhưng chưa từng rơi khỏi vị trí những nghề nghiệp được mong đợi của giới trẻ, vì những tính chất đặc thù của công việc mà ai cũng nhìn thấy.
Tại Việt Nam, chỉ cần nhìn vào đà tăng trưởng của các khách sạn hiện nay để thấy được rằng, nguồn nhân lực nắm giữ vị trí quản lý khách sạn, nhà hàng ngày càng được quan tâm đặc biệt hơn bao giờ hết.
Mảng khách sạn tại châu Á được dự kỳ vọng sẽ tăng trưởng kỷ lục, với tốc độ tăng trưởng chung hàng năm (CAGR) sẽ đạt 7% trong khoảng thời gian từ 2012-2016. Trong đó, khách sạn Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á với CAGR lên đến 15%. Chi tiêu của khách du lịch ở châu Á dự kiến vẫn tăng trưởng vì tình hình kinh tế của vùng vẫn còn sáng sủa. Chi tiêu tốt, lượng khách du lịch quốc tế và khách nội địa tăng trưởng đều đặn là lý do mà tốc độ tăng trưởng chung hàng năm của Việt Nam sẽ rất tốt trong thời gian tới.
Hiện chưa có số liệu thống kê mới nhất về tổng số khách sạn trên cả nước nhưng tính đến 9-2012, cả nước có đến 12.500 cơ sở lưu trú với 250.000 phòng, trong đó có 53 khách sạn 5 sao, 127 khách sạn 4 sao và 271 khách sạn 3 sao. Số lượng khách sạn đang tăng trưởng mạnh mẽ ở những trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam. Số lượng khách sạn ở Quảng Ninh cũng tăng đột biến sau khi vịnh Hạ Long được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Khách sạn Sài Gòn Hạ Long
Một vài nét sơ lược về thị trường kinh doanh khách sạn phần nào nói lên được về tương lai của khách sạn ở Việt Nam nói chung và nhu cầu của nghề quản lý khách sạn nói riêng. Quản lý khách sạn có thể xem là quản lý phòng ốc, điều hành nhân viên, tiếp đón khách… thế nhưng đó lại là một vị trí đáng mơ ước mà các bạn trẻ phải đầu tư cật lực để có thể chen chân vào thế giới của “nghề dẫn đầu” tại các tập đoàn đa quốc gia.
Nhân lực Quản lý khách sạn – Thừa nhưng thiếu:
“Việt Nam đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, nhất là trong ngành công nghiệp du lịch khách sạn.”Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết khi sắp tới đây, vào năm 2015, Thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành Du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai. Tuy nhiên nguồn nhân lực về quản lý khách sạn ở nước ta trong những năm vừa qua chưa được định hình rõ rệt dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Hàng năm các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước "xuất xưởng" không ít SV chuyên ngành quản lý khách sạn. Thế nhưng, phần lớn trong số họ sau khi ra trường không có được công việc đúng với chuyên môn, nếu có thì cũng chỉ "tạm trú" ở các địa bàn nhỏ như khách sạn mini, nhà nghỉ...
Nguyên nhân vẫn do SV ít được cọ xát với thực tế, chưa được trang bị kỹ năng thích hợp nên các nhà quản lý khách sạn trong nước khó đảm nhận được trọng trách. Kết quả, hàng loạt khách sạn lớn, cao cấp phải thuê quản lý người nước ngoài. Việc làm có, cơ hội không khan hiếm nhưng lại khó để nắm bắt. Hầu hết các khách sạn cao cấp như Daewoo, Melia, Furama... đều vấp phải một khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là nhân viên giỏi tiếng Anh mặc dù hầu hết các SV tốt nghiệp vào làm việc đều đã qua một khóa đào tạo ngắn hạn của khách sạn.
Thu nhập của nghề quản lý nhà hàng - khách sạn là khá cao, 10 - 18 triệu/tháng đối với những KS cỡ trung, còn ở những KS hạng 3 - 5 sao, thu nhập có thể đạt từ 2.000 USD/tháng trở lên. Bên cạnh đó còn có nhiều khoản thu nhập khác như thưởng doanh thu, đi du lịch nước ngoài, tham gia các đợt tập huấn...
Chị Nguyễn Thùy Dung, nhân viên nhà hàng Vườn Cau (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng, nghề quản lý KS-NH thường đem lại khoản thu nhập cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung và có nhiều cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, người quản lý phải biết cách lên kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học cho từng bộ phận cũng như phân công và đôn đốc nhân viên thực hiện. Ngoài ra, họ phải có khả năng truyền nhiệt huyết cho những người xung quanh để tạo nên một tập thể năng động, hiệu quả.
Tất nhiên, người quản lý dù tài giỏi cũng khó đương đầu với sức ép và sự căng thẳng của công việc nếu thiếu sự hỗ trợ hiệu quả của đồng nghiệp. “Không phải ai cũng là nhà quản lý ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghề. Rất nhiều quản lý giỏi trong KS-NH hiện nay từng trải qua những vị trí như phục vụ bàn, phụ bếp… Qua trải nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức, chuyên môn sẽ giúp người làm quản lý ở KS-NH có thêm nhiều kinh nghiệm để làm việc tốt”, chị Thùy Dung khẳng định.
Thú vị từ giảng đường đến thực tiễn
Nghề quản lý KS-NH đảm nhiệm nhiều công việc với những yêu cầu khác nhau về kiến thức và kỹ năng. Ngành quản lý và điều hành KS-NH là ngành học nhiều từ thực tiễn, cho nên các trường thường cân đối tương xứng giữa giờ lý thuyết và thực hành nhằm mang đến sự thoải mái trong quá trình học cũng như cung cấp cho học viên nhiều kinh nghiệm ngay cả khi họ chưa tốt nghiệp. Khi làm việc, do đặc thù môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nhất là người nước ngoài nên bạn cần tích lũy vốn ngoại ngữ để giao tiếp tốt, đồng thời cần tích lũy kiến thức thực tế, nâng cao kỹ năng quản lý. Việt Nam hiện có hơn 20 trường đang đào tạo về quản lý và điều hành KS-NH. Riêng TP.HCM có gần 10 trường đào tạo nghề KS-NH.
Học đi đôi với hành là tiêu chí đào tạo của chương trình Quản trị Khách sạn nhà hàng
Anh Trần Khánh Huy - thâm niên làm việc gần 10 năm trong lĩnh vực quản lý KS-NH tại Q.6, TP.HCM khái quát về nghề: “Đó là việc quản lý và tổ chức các hoạt động của NH hoặc KS sao cho hiệu quả và hợp lý nhất. Công việc chính thường bao gồm giám sát hoạt động của các bộ phận (tiền sảnh, nhà bếp, phục vụ phòng…), lập các báo cáo kết quả tài chính, các bản thu, chi; quản lý số phòng bán ra và phòng còn trống; chế biến thực phẩm; giải quyết khiếu nại của khách hàng, đào tạo, huấn luyện nhân viên… Ngoài ra, còn rất nhiều việc không tên khác mà người làm quản lý phải giám sát, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả. Điều đặc biệt quan trọng là người làm quản lý KS-NH phải có kỹ năng, chiến lược để tiếp thị, thu hút ngày càng đông khách hàng đến với doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận cao nhất”.
Câu chuyện du học sinh:
Anh Lý Quý Trung, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành quản lý nhà hàng khách sạn, Ðại học Griffith: “Khi đang làm nhân viên lễ tân khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh thì tôi có cơ hội đi du học tại Úc. Ðó là lý do tại sao tôi lại chọn theo học chuyên ngành quản lý nhà hàng khách sạn thay vì Công Nghệ Thông Tin hay marketing – những ngành yêu cầu rất cao và đang rất mốt vào thời điểm đó.
Tôi rất say mê ngành kinh doanh nhà hàng khách sạn và đã nhìn thấy tương lai tươi sáng của ngành này tại Việt Nam – một điểm đến du lịch còn chưa được khai phá.
Tôi đã học từ đại học đến thạc sĩ rồi tiến sĩ trong cùng một chuyên ngành: quản lý nhà hàng khách sạn. Và giờ đây tôi đã là người sáng lập và giám đốc điều hành của một vài ý tưởng kinh doanh thức ăn và đồ uống, trong đó bao gồm chuỗi nhà hàng Phở 24 – một trong những thương hiệu và giải pháp kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam.
Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thu nhận được từ thời gian học tập tại Úc đang đóng một vai trò quan trọng trong thành công của tôi ngày hôm nay. Các phương pháp tư duy và giải quyết vấn đề của tôi cũng được bắt nguồn từ những yếu tố đó. Đó là tài sản vô giá mà rất nhiều cựu du học sinh tại Úc đã thu nhận được. Do đó, so với tiền bạc và thời gian đầu tư cho việc học tập tại Australia, tôi đã thu được lợi nhuận ròng!
(http://duhoc.dantri.com.vn/hot-ob-conner/tong-quan-ve-nganh-quan-ly-khach-san-nha-hang-va-nhu-cau-nhan-luc-tai-viet-nam-690091.htm)