Hợp tác Trao đổi Sinh viên & Giảng viên
Đại học công lập Appalachian (Appalachian State University) đã đi đến ký kết một thỏa thuận chính thức với Đại học Duy Tân (DTU) ở Việt Nam nhằm mở đường cho việc trao đổi sinh viên và giảng viên giữa hai trường. Thỏa thuận hợp tác này được ký kết vào ngày 19/11/2010 giữa TS Lorin Baumhover, Hiệu trưởng và Phó Chủ tịch lâm thời của ASU với thầy Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng và Giám đốc Đào tạo của DTU.
"Có nhiều lý do quan trọng vì sao Đại học Appalachian cần có mặt ở Việt Nam," TS Jesse Lutabingwa, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển quan hệ hợp tác và giáo dục quốc tế phát biểu. "Nhiều chuyên gia nhận định rằng Việt Nam là một điểm nóng mới về kinh tế với tiềm năng phát triển và tăng trưởng kinh tế như Trung Quốc đã từng có. Với dân số hơn 86 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. Và với tốc độ gia dân số hiện tại, chẳng mấy chốc Việt Nam có thể trở thành 1 trong 10 nước đông dân nhất thế giới. Thêm vào đó, Mỹ hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Theo Báo cáo Cửa mở 2010 của Tổ chức Giáo dục Quốc tế, Việt Nam là 1 trong 10 nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ."
Trong chuyến thăm của thầy Lê Nguyên Bảo, cán bộ và giảng viên Appalachian đã có cơ hội tìm hiểu cách thức phát triển trao đổi sinh viên và giảng viên giữa hai trường. Ngay tới đây, DTU sẽ giúp hỗ trợ hậu cần cho một chương trình thăm quan của trường Quản lý Walker của Appalachian do TS Ben Powell và TS Heather Dixon-Fowler thuộc khoa Quản trị Kinh doanh dẫn đầu.
Chương trình 5 tuần này sẽ tập trung vào các khởi nghiệp xã hội và quốc tế với các chuyến thăm đến Đà Nẵng, Hội An, và Tp. Hồ Chí Minh. Chương trình này rất có sức hút đối với các sinh viên Appalachian, và đã có đủ người đăng ký đi chỉ sau chưa đầy 2 tuần.
"Sự hưởng ứng của sinh viên đối với Chương trình Khởi nghiệp Mùa hè của trường Quản lý Walker ở Việt Nam là minh chứng cho niềm tưởng của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Trường và Hiệu trưởng Randy Edwards về tầm quan trọng của Việt Nam đối với sinh viên," Powell nói.
"Quan hệ hợp tác mới với Đại học Duy Tân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển, triển khai và mở rộng chương trình của chúng tôi trong tương lai. Việt Nam và Đại học Duy Tân có một tương lai khá tươi sáng, và mối quan hệ này sẽ là cánh cửa nối kết tương lai đó với sinh viên của chúng ta," TS Dixon-Fowler nói.
Một chương trình thăm quan khác đến Việt Nam sẽ do TS Robert Wayne Devender của khoa Sinh học dẫn đầu. Đây là một chương trình 3 tuần, tập trung vào sự đa dạng của hệ sinh thái, việc bảo tồn sinh vật, và địa lý sinh giới ở Việt Nam.
Từ trái sang phải: TS Meznar, Trưởng Hợp tác Quốc tế của trường Quản lý Walker; TS Lutabingwa, Phó Chủ tịch phục trách Hợp tác Quốc tế của ASU; TS Edwards, Hiệu trưởng trường Quản lý Walker; TS Ann Milam, người nối kết hợp tác giữa DTU và ASU; thầy Lê Nguyên Bảo và TS Lorin Baumhover, Hiệu trưởng ASU.
Từ mùa thu 2011, từ 3 đến 5 sinh viên DTU sẽ đến học tại Appalachian trong vòng 1 học kỳ, đổi lại các sinh viên Appachian cũng sẽ đến học ở DTU trong một thỏa thuận trao đổi trực tiếp. Điều này có nghĩa là sinh viên Appalachian sẽ trả học phí và tiền ở của Appalachian để theo học ở Việt Nam. Các sinh viên Duy Tân sẽ làm điều tương tự (trả học phí và tiền ở của Duy Tân để theo học ở Appalachian). Sinh viên Appalachian có thể đăng ký xin hỗ trợ tài chính cho việc theo học ở Việt Nam. Sinh viên ở mọi ngành nghề đều được khuyến khích tham gia vào Chương trình Trao đổi Appalachian-DTU. Nhiều môn học ở DTU được dạy bằng tiếng Anh. Đồng thời, sinh viên Appalachian có thể học thêm tiếng Việt và các môn học về văn hóa Việt Nam.
DTU cũng tỏ ý muốn về việc trao đổi chương trình với Appalachian trong lĩnh vực Quản trị Du lịch, và Tài chính - Ngân hàng, cũng như xây dựng một chương trình 2+2. Theo cơ cấu 2+2, sinh viên DTU sẽ học 2 năm đầu ở Việt Nam và sau đó đến học ở Appalachian. Sau 2 năm học ở Appalachian, sinh viên DTU sẽ nhận bằng từ Appalachian.
"Tôi rất hào hứng về hợp tác mới giữa Appalachian và Đại học Duy Tân. Việt Nam là một quốc gia với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và sinh viên cũng như giảng viên trường ta sẽ thu được nhiều lợi ích qua trao đổi với DTU. Hợp tác này ở Việt Nam sẽ cộng thêm vào nhiều nỗ lực hướng ra thế giới đã có của trường Quản lý Walker," Edwards phát biểu.
Với hợp tác này ở Việt Nam, Đại học công lập Appalachian và Phòng Phát triển Giáo dục và Quan hệ Quốc tế của trường tiếp tục các kế hoạch dài hạn, mở rộng việc trao đổi sinh viên và giảng viên ra khỏi phạm vi các nước Âu châu. Tính đến nay, Appalachian đã có quan hệ trao đổi với 27 đại học trên toàn thế giới.
"Đã phát triển thành công quan hệ với 4 đại học khác ở Mỹ, nhưng tôi vẫn thấy hợp tác mới này với Đại học công lập Appalachian là đặc biệt thú vị và ích lợi," thầy Bảo nói. "Đặc biệt, mô hình trao đổi giảng viên và sinh viên của Appalachian là rất sáng tạo và hứa hẹn sẽ bền vững. Là đại học tư lớn nhất ở thành phố biển Đà Nẵng, Duy Tân hy vọng sẽ trở thành điểm đến của các sinh viên và giảng viên Appalachian, những người có mong muốn học tập hay nghiên cứu ở Việt Nam hay trong vùng Đông Nam Á."
Đại học Appalachian là một đại học công lập được thành lập vào năm 1899, là một thành viên của hệ thống Đại học Bang North Carolina (UNC). Tổng số sinh viên của trường vào khoảng 16,000 với diện tích là 1,300 mẫu Anh. Trường được xếp thứ 9 trong hệ thống các đại học vùng ở miền Nam Hoa Kỳ theo Tạp chí U.S. News.
(Nguồn: http://www.news.appstate.edu/2010/11/23/educational-exchange-in-vietnam)