Du học Mỹ
Du học Mỹ
Ở Mỹ, hiện có hơn 3.600 trường đại học và cao đẳng có các chương trình học đại học. Nhưng làm thế nào để bạn có thể tìm thấy chương trình học tốt nhất dành cho mình? Những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở đây sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về du học Mỹ, và giúp bạn có được những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nơi đến để trang bị hành trang kiến thức cho tương lai của mình.
1. Tại sao bạn chọn du học Mỹ
Mỹ là cường quốc hùng mạnh trên thế giới về nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ. Được đặt chân đến nước Mỹ để sống và học tập là niềm mơ ước của nhiều học sinh và sinh viên trên thế giới. Hiện nay, trong số 15 triệu sinh viên theo học đại học ở nước ngoài, hơn một phần ba chọn học tập ở Mỹ.
Mỹ có hệ thống trường đại học tốt nhất trên thế giới, với các chương trình đào tạo xuất sắc hầu như trong mọi lĩnh vực. ở bậc đại học, các môn học truyền thống cũng như các lĩnh vực chuyên ngành đều có các chương trình đào tạo tốt nhất. ở bậc sau đại học, sinh viên thường có cơ hội làm việc trực tiếp với một số học giả nổi tiếng nhất trên thế giới. Bằng cấp của Mỹ được công nhận trên toàn thế giới vì chất lượng đào tạo tuyệt vời.
Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ luôn phù hợp với tất cả mọi người. Một số trường đại học chú trọng vào các nguyên tắc giáo dục bao quát; số khác chú trọng vào các kỹ năng thực tiễn liên quan đến việc làm; nhưng có một số lại chuyên về các lĩnh vực kỹ thuật, nghệ thuật hoặc khoa học - xã hội. Kết quả là nếu bạn đang tìm một cơ sở đào tạo nơi bạn có thể học một lĩnh vực cụ thể - dù khác thường hay cụ thể đến mức nào - bạn có thể tìm thấy một số trường đại học ở Mỹ để lựa chọn.
Các trường đại học của Mỹ tự hào là luôn đi tiên phong về công nghệ - kỹ thuật giáo dục, và tạo điều kiện cho sinh viên có thể sử dụng thiết bị và các tài liệu học tập tốt nhất có thể được. Thậm chí nếu lĩnh vực của bạn không trực tiếp liên quan đến khoa học hay kỹ thuật, bạn cũng sẽ trở nên thành thạo trong việc sử dụng công nghệ hiện đại nhất để thu thập và xử lý thông tin. Bạn cũng sẽ tìm ra cách thức để liên lạc với những đồng nghiệp trên toàn thế giới trong suốt quãng thời gian làm việc sau này của bạn.
Nếu bạn là một sinh viên sau đại học, bạn có thể có được kinh nghiệm quý báu về nghiên cứu hoặc giảng dạy, đồng thời tự kiếm tiền trang trải cho việc học tập của mình. Yếu tố thực tiễn này trong quá trình học tập của bạn sẽ trở nên rất hữu ích cho nghề nghiệp tương lai của bạn và giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về lĩnh vực học tập của mình, điều bạn sẽ không có được nếu chỉ chú tâm vào việc học tập mà thôi. Các sinh viên quốc tế nằm trong số những nhà nghiên cứu và giảng dạy được đánh giá cao nhất ở các trường đại học của Mỹ vì họ mang đến cho các lớp học và phòng thí nghiệm những kỹ năng và ý tưởng mới mẻ.
Mặc dù nhiều chương trình được xây dựng rất tinh vi, nói chung bạn vẫn có nhiều lựa chọn về khoá học. ở giai đoạn nâng cao, bạn có thể tự thiết kế chương trình học tập để phù hợp với các yêu cầu cụ thể của bạn. Khi bạn chọn các đề tài nghiên cứu độc lập để viết luận văn tốt nghiệp hoặc bài luận, bạn có thể nhấn mạnh các ý tưởng có ý nghĩa quan trọng đối với bạn, nghề nghiệp của bạn và đất nước của bạn.
Tại hầu hết các cơ sở đào tạo đều có dịch vụ của các Văn phòng Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế nhằm giúp sinh viên nước ngoài học tập và sinh hoạt trong môi trường mới. Từ các chương trình hướng dẫn vào lúc bắt đầu khoá học cho đến trợ giúp viết sơ yếu lý lịch khi bạn chuẩn bị tết nghiệp, bạn luôn thấy mọi người trong trường đều quan tâm đến sự thành công của bạn.
Các trường đại học của Mỹ tổ chức rất nhiều hoạt động phong phú về học tập, văn hóa và thể thao nhằm làm tăng thêm kinh nghiệm học tập của bạn và giúp bạn có thêm những người bạn mới từ các môi trường sống khác nhau.
Kinh nghiệm về một môi trường quốc tế là một lợi thế hữu ích. Triển vọng về nghề nghiệp lâu dài của bạn sẽ được nâng cao bởi những kinh nghiệm học tập và làm việc tại các trường đại học ở Mỹ cho phép bạn phát triển tính tự tin, độc lập và kỹ năng giao tiếp trong môi trường có sự giao thoa về văn hoá - những yếu tố được các công ty trên toàn thế giới đánh giá cao.
Đến Mỹ để học đại học bạn nên xác định được những rào cản nhất định để khẳng định: mình có thể vượt qua được hay không, đó là:
(1) Rào cản ngôn ngữ - các trường đại học Mỹ luôn yêu cầu bạn có một trình độ tiếng Anh cao, tối thiểu đạt 500 điểm TOEFL một số trường còn đòi hỏi cao hơn như các trường thuộc khối khoa học xã hội từ 520 đến 550 điểm TOEFL;
(2) Rào cản về trình độ kiến thức chung - bạn phải qua một số kỳ thi kiểm tra kiến thức trước khi được chấp nhận vào học; Và
(3) rào cản về tài chính - Mỹ có mức học phí đắt nhất thế giới, trung bình là 18.000 - 30.000 USD/năm và thay đổi từng trường qua từng năm. Cá biệt có trường học phí lên đến 35.000 USD. Ngoài ra bạn còn phải chi cho các khoản sinh hoạt phí (ăn, ở, đi lại) bảo hiểm, y tế... cũng không rẻ, tương đương với mức học phí.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng đến Mỹ để học tập quả là không ít chông gai nhưng cũng không kém phần hấp dẫn phải không?
2. Hệ thống giáo dục Mỹ
Ở Mỹ, để có thể bước vào bậc đại học, người học sẽ phải trải qua 12 năm giáo dục ở bậc tiểu học và trung học. Giáo dục tiểu học và trung học có thể thực hiện ở các trường công (trường do chính phủ tổ chức) hoặc ở các trường tư. 12 năm giáo dục này cũng có thể được hoàn thành ở nước ngoài, điều đó tạo cơ hội cho sinh viên nước ngoài có thể hưởng những ưu việt của nền giáo dục đại học ở Mỹ.
Trẻ em ở Mỹ bắt đầu đến trường vào lúc 5 tuổi. Năm đầu tiên gọi là lớp mẫu giáo, đây là điều bắt buộc với các trẻ em Mỹ. Năm thứ hai ở trường được xem như là năm đầu tiên ở bậc tiểu học (primary school) và là lớp 1 (first grade). "Grade" ở đây bao hàm 2 nghĩa: (1) Chỉ thứ hạng điểm đạt được trong một kỳ thi hay một khoá học, (2) Chỉ năm học giáo dục ở trường tiểu học hoặc trung học (lớp thứ mấy). Giáo dục tiểu học hầu hết là hệ thống giáo dục 5 năm, được xem là 5 lớp đầu tiên.
Hoàn thành lớp 5 (năm cuối cùng của bậc tiểu học), trẻ em Mỹ sẽ bước vào trung học. Trường trung học bao gồm tất cả là 7 năm, tương đương 6 lớp trong hệ 12 năm. Lớp 9 đến lớp 12 thường được gọi là phổ thông trung học (high school). Hoàn thành lớp 12, học sinh Mỹ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (high school diploma). ở Mỹ học sinh phải có bằng này mới được nhập học một trường cao đẳng hay đại học. Học sinh/ sinh viên nước ngoài muốn học cao đẳng hay đại học ở Mỹ thì phải học một khoá gọi là "coursework" - tương tự như những gì được dạy ở trường phổ thông trung học. Những du học sinh nước ngoài muốn học phổ thông trung học ở Mỹ cần cân nhắc lựa chọn trường phổ thông trung học nào sẽ mang lại cho họ cơ hội để vào được trường cao đẳng hoặc đại học tốt nhất.
Những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học và muốn học lên cao đẳng hoặc đại học phải tham dự các trường được gọi là “Undergraduate school”. Có những trường hoặc cấp bằng 2 năm (gị là: associate degree) hoặc bằng 4 năm (gọi là: bachelor’s degree) sau một khoá học đặc trưng. Khoá học này được gọi là khoá học chuyên ngành (major). Hầu hết các trường cấp bằng 4 năm tiếp nhận các sinh viên chưa học hay chọn chuyên ngành, tuy nhiên tất cả các sinh viên bắt buộc phải lựa chọn chuyên ngành của mình vào năm thứ hai. Những sinh viên hoàn thành bằng 2 năm có thể tiếp tục học tại trường 4 năm và hoàn thành bằng cử nhân.
Những người có bằng cử nhân có thể tiếp tục học một để lấy trong hai loại bằng. Đầu tiên là bằng thạc sĩ (master’s degree) - một khoá học hai năm chuyên về một ngành cụ thể. Sinh viên chỉ có thể học lấy bằng thạc sĩ sau khi họ đã có bằng cử nhân về một ngành liênquan. Tuy nhiên có những ngoại lệ, ví dụ như đối với các sinh viên theo học bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA). Những người muốn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về một ngành có thể tiếp tục học lên tiến sĩ, còn gọi là học vị PhD. Có thể mất từ 3 đến 6 năm để hoàn thành khoá học tiến sĩ, tuỳ thuộc vào chuyên ngành, vào khả năng của từng người, vào luận án họ nghiên cứu. Luận án là một quyển nghiên cứu chuyên sâu phải hoàn thành trước khi nhận bằng. Đó là một đòi hỏi bắt buộc đối với tất cả những người theo đuổi bằng PhD, và đôi khi với bằng thạc sĩ (tuỳ thuộc vào từng trường).
Một số khoá học chỉ có ở trình độ trên đại học ở Mỹ. Thông thường nhất là các ngành: Luật, Nha khoa và Y học. Những người muốn theo học một trong các ngành này đầu tiên phải có bằng cử nhân.
3. Chuyển tiếp lên và giữa các trường
Ở Mỹ, sinh viên đôi khi học tại một trường trong một khoảng thời gian nào đó và sau đó “chuyển” sang học tại một trường khác để hoàn thành việc học lấy bằng cử nhân. Một số sinh viên lại chuyển từ hệ cao đẳng hai năm sang các trường đại học tổng hợp; một số khác chuyển từ một trường đại học tổng hợp này sang một trường đại học tổng hợp khác. Có thể chuyển một số môn học từ các trường của Việt Nam sang một vài trường đại học hoặc đại học tổng hợp ở Mỹ.
Phần lớn sinh viên chuyển vào trường đại học ở năm thứ ba nhưng nhiều trường chấp nhận việc chuyển trường vào các thời điểm khác. Khi chọn trường để xin học, bạn nên nghiên cứu chính sách của từng trường đối với các hạn chế về thời điểm chuyển trường hoặc về việc chấp nhận sinh viên chuyển trường. Bạn nên bắt đầu việc nộp đơn xin học ít nhất là một năm trước khi bạn muốn nhập học ở một môi trường mới.
Hãy trả lời các câu hỏi sau: Trường đó có đặt ra yêu cầu điểm trung bình tối thiểu không? Tỷ lệ chấp nhận đơn xin chuyển trường là bao nhiêu? Trường chỉ nhận sinh viên xin chuyển từ các trường cao đẳng hệ hai năm hay chỉ nhận sinh viên xin chuyển từ các trường đại học tổng hợp khác? trường nhận phần lớn sinh viên xin chuyển vào năm thứ ba hay vào một thời điểm khác? Yêu cầu về môn học của trường trong việc chuyển điểm là gì? Lượng thời gian tối thiểu mà trường sẽ yêu cầu bạn phải học ở đó là bao nhiêu? Yêu cầu về môn học của trường so với các khoá học mà bạn đã hoàn thành như thế nào? Bạn thường chỉ nhận được điểm cho các khoá học mà trường đại học cũng có dạy hoặc yêu cầu phải học.
4. Xin thị thực sinh viên
Để xin một thị thực sinh viên loại F-1 bạn phải có một mẫu đơn I-20 A-B hợp lệ, để xin thị thực J-1 bạn phải có mẫu đơn DS-2019, và để xin thị thực M-1 bạn phải có mẫu đơn I-20M-N. Trường của bạn sẽ gửi cho bạn mẫu đơn phù hợp sau khi bạn đã được chấp nhận nhập học và sau khi bạn đã chứng tỏ bạn có đủ khả năng tài chính. Khi bạn nhận được mẫu đơn, hãy kiểm tra lại những điều như: Tên bạn có được viết chính xác hay không, có giống như nó xuất hiện trên hộ chiếu của bạn hay không? Các thông tin ngày sinh và nơi sinh, chương trình học, thời hạn báo cáo, thời hạn hoàn thành và thông tin tài chính có đúng hay không? Nó có được một quan chức của trường ký hay không? Thời hạn báo cáo đã qua chưa? Nếu ngày đó đã qua thì mẫu đơn này đã hết hạn và không thể dùng được sau thời hạn báo cáo.
Nếu mẫu đơn I-20 A-B, I-20M-N hoặc DS-2019 của bạn là hợp lệ, bạn đã sẵn sàng để xin thị thực.
Việc phỏng vấn xin thị thực trung bình thường kéo dài khoảng 3 phút, vì thế bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để nói ngắn gọn song thuyết phục. Hãy tự tin, đừng che giấu sự thật hay nói dối - các nhân viên bộ phận lãnh sự của Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm và có thể dễ dàng xác định được liệu người ta có đang nói thật hay không về việc xin thị thực của họ.
Để cấp thị thực cho bạn, cán bộ lãnh sự phải hài lòng về ba điểm sau:
Thứ nhất, bạn có phải là một sinh viên chân thật hay không? Cán bộ lãnh sự Mỹ sẽ xem xét nền tảng giáo dục và kế hoạch của bạn nhằm đánh giá xem bạn có khả năng đến đâu trong việc vào học và trụ lại tại trường cho tới khi tốt nghiệp. Nếu bạn được yêu cầu tham gia phỏng vấn, hãy chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về lý do bạn chọn một trường cụ thể, chuyên ngành dự định của bạn và kế hoạch nghề nghiệp của bạn. Hãy mang theo lý lịch học tập tại trường, kết quả các kỳ thi quốc gia, và điểm SAT hoặc TOEFL (nếu trường của bạn yêu cầu phải có các điểm thi này) cũng như bất kỳ thứ gì khác chứng tỏ cam kết học tập của bạn.
Thứ hai, liệu bạn có khả năng cung cấp tài chính cho việc học của mình hay không? Chính phủ Mỹ cần đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bỏ học và đi làm bất hợp pháp. Mẫu đơn I-20 của bạn sẽ liệt kê cách thức bạn chi trả các chi phí của mình ra sao, ít nhất là cho năm học đầu tiên.
Nếu bạn được gia đình hoặc một cá nhân tài trợ, bạn làm sao để chứng tỏ rằng người tài trợ cho bạn có khả năng trả tiền cho việc học của bạn? Cơ hội của bạn sẽ cao hơn nếu cha mẹ của bạn tài trợ cho việc học của bạn. Nếu là người khác không phải cha mẹ bạn tài trợ cho bạn, bạn cần giải thích quan hệ đặc biệt của bạn với người này, để biện minh cho việc người ta sẵn sàng cam kết trả hàng chục nghìn đô-la cho việc học của bạn.
Hãy cung cấp những bằng chứng vững chắc về khả năng tài chính của người tài trợ cho bạn, đặc biệt là nguồn thu nhập và con số thu nhập. Điều này khiến cho cán bộ lãnh sự yên tâm rằng tiền sẽ được cung cấp đầy đủ trong suốt chương trình đại học bốn năm của bạn. Nếu nguồn thu nhập của người tài trợ cho bạn từ nhiều nguồn khác nhau (chẳng hạn như lương, hợp đồng, phí tư vấn, trang trại, tài sản cho thuê, các khoản đầu tư) thì hãy đề nghị người tài trợ viết một lá thư liệt kê và chứng minh bằng tài liệu từng nguồn thu nhập một.
Thứ ba, liệu những mối liên hệ của bạn với quê hương có đủ mạnh để bạn sẽ không muốn ở lại thường trú tại Mỹ hay không? Luật thị thực của Mỹ quy định rằng các cán bộ lãnh sự phải coi tất cả các ứng viên xin thị thực không nhập cư là những người có ý định nhập cư cho tới khi họ có thể thuyết phục cán bộ lãnh sự rằng họ không có ý định đó. Nếu bạn đi học theo một thị thực J-1, người ta sẽ áp dụng quy định “2 năm”, theo đó bạn không thể xin thị thực nhập cư vào Mỹ cho tới khi bạn đã sống hai năm ở đất nước mình sau khi hoàn thành việc học tập tại Mỹ.
Nhìn chung bạn phải đủ khả năng chứng tỏ rằng những lý do khiến bạn trở về nhà mạnh hơn những lý do khiến bạn ở lại Mỹ. Luật pháp quy định rằng bạn phải chứng minh được đầy đủ các mối quan hệ kinh tế, gia đình và xã hội đối với nơi cư trú của mình để đảm bảo rằng việc bạn ở Mỹ chỉ là tạm thời.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể vào các địa chỉ:
- www.ed.gov/NLE/USNEI/toc.html
- www.edupass.org để biết thông tin khái quát về hệ thống giáo dục Mỹ.
- www.fastweb.com để tìm kiếm học bổng dành cho sinh viên quốc tế.
- www.educationusa.state.gov để tìm hiêu thông tin về giáo dục từ xa của Mỹ.
(http://news.vnu.edu.vn/btdhqghn/Vietnamese/C1512/C1675/2006/02/N8046/?1)