Khác biệt cơ bản giữa trường Phổ thông trong nước và Đại học nước ngoài
Học đại học tại nước ngoài đối với các bạn trẻ luôn là một cơ hội quý giá và đáng mơ ước. Vì vậy làm sao cho những năm học này hữu ích và thành công nhất là mục tiêu hàng đầu của mọi sinh viên. Tuy nhiên, việc làm quen với một môi trường học tập chủ động hoàn toàn mới không hề đơn giản với những sinh viên Việt Nam vốn vẫn quen thuộc với cách học thụ động tại các trường Trung học phổ thông trong nước. Nhận thức được những khác biệt giữa bậc học THPT và Đại học quốc tế là bước đầu giúp bạn vượt qua thử thách này.
Tự do và tự giác
Thói quen mỗi ngày đến trường 4, 5 tiết học theo thời khóa biểu định sẵn, học tập trong một tập thể lớp 40 – 50 học sinh sẽ không còn nữa khi bạn là một sinh viên của Đại học quốc tế tại nước ngoài. Bạn có thể tự lựa chọn đăng ký lịch học theo thời gian biểu của riêng mình, đồng nghĩa với việc bạn cần có đầu óc tổ chức khoa học để phân bổ thời gian hợp lý. Bạn sẽ làm quen với những giảng đường rộng cả trăm sinh viên; những buổi học nhóm trên dưới 10 người; những dự án lớn kéo dài trong nhiều tháng. Những giờ học sẽ không chỉ là những giờ ngồi trên lớp nghe giảng, mà còn là những buổi làm bài tập, những bài thuyết trình, làm thí nghiệm và thực hành sẽ là những trải nghiệm rất mới đưa kiến thức của bạn vào thực tế. Sinh viên sẽ luôn có rất nhiều sự lựa chọn về môn học và cả những hoạt động ngoại khóa để cân bằng cuộc sống với một thời gian biểu linh hoạt. Không còn việc thầy cô giáo ngày ngày đốc thúc & kiểm tra bài tập về nhà hay nghe nhắc nhở về kỷ luật và các nguyên tắc nữa. Thay vào đó, sinh viên phải tự nhận thức đươcsự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu; tự tìm kiếm những tài liệu bổ trợ cần thiết, tự chủ động liên hệ với giảng viên nếu cần hỗ trợ để có thể hoàn tất bài tập và nộp chúng theo đúng những deadlines của trường.. Tùy vào từng môn học, sinh viên sẽ phải tham gia những dự án, bài tập nhóm, viết tiểu luận hay làm bài thi để đánh giá điểm cho môn học đó, thay vì những bài kiểm tra định kỳ ở trường trung học. Tự do và tự giác là những sự thay đổi lớn với mỗi sinh viên.
Tư duy phản biện tích cực
Trang bị tư duy phản biện tích cực, độc lập mang tính chất học thuật cao là một yêu cầu quan trọng khi tham gia học tại Đại học nước ngoài. Những bài giảng sẽ không chỉ đơn giản và cứng nhắc trong khuôn khổ sách giáo khoa, mà học sinh chỉ cần học thuộc lòng là có thể đạt điểm tốt. Thay vào đó, mỗi chủ đề đưa ra trong từng bài giảng sẽ bao gồm những cái nhìn khác nhau từ nhiều khía cạnh, những quan điểm đối lập trong từng học thuyết ở từng mốc thời gian cùng với sự phong phú và đa dạng của các nguồn tài liệu đi kèm. Sinh viên sẽ phải vận dụng óc phân tích, so sánh, tư duy phản biện tích cực và thậm chí là đánh giá phê bình trong từng bài học vốn đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian tự học ngoài giờ lên lớp. Với hệ thống thư viện liên thông phong phú, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn tài liệu, sách tham khảo, công trình nghiên cứu có liên quan đến chủ đề bạn đang nghiên cứu. Tuy vậy, việc tham khảo tài liệu một cách khoa học và thông minh lại là một kỹ năng nữa sinh viên cần trang bị; đặc biệt trích dẫn tải liệu tham khảo sao cho đúng luật và được chấp nhận là kỹ năng cơ bản đầu tiên khi học đại học quốc tế mà phần lớn học sinh Việt Nam chưa từng trải nghiệm trước đó.
Kỹ năng viết luận, tham khảo và trích dẫn tài liệu
Có thể nhận thấy rằng để có thể thích nghi được trong môi trường học tập tại Đại học nước ngoài là một thử thách lớn dành cho sinh viên Việt Nam vì các bạn chưa có điều kiện để làm quen với những kỹ năng cần thiết khi bước vào giảng đường quốc tế. Những tiết học tiếng Anh trên lớp với những mẫu ngữ pháp, những từ vựng thông thường và những đoạn hội thoại ngắn không thể đủ để đảm bảo cho các bạn có thể hiểu kỹ bài giảng hay hoàn thành bài tiểu luận. Vốn tiếng Anh trong nhà trường cũng khó có thể giúp bạn hiểu được các bài giảng nặng chuyên ngành, lưu loát và tự tin trong các bài thuyết trình, bảo vệ quan điểm vững vàng trong buổi thảo luận nhóm hay viết các bài luận với nội dung học thuật dài hàng chục trang giấy. Hơn nữa, phương pháp học và tư duy độc lập, chủ động chưa được áp dụng nhiều ở bậc THPT. Các hình thức bài học, bài tập còn khá hạn chế so với các hoạt động đa dạng tại Đại học như: thuyết trình, xây dựng dự án, làm bài tập nhóm, điều tra, viết luận, vv. Vì vậy, sinh viên Việt Nam khi bước vào giảng đường Đại học nước ngoài phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn và cũng đã có không ít bạn chưa tìm thấy thành công trên con đường của mình.
Nền tảng vững chắc – Chìa khóa cho thành công
Để thành công tại trường đại học nước ngoài, mỗi sinh viên ngoài nỗ lực và quyết tâm thật lớn còn phải chuẩn bị cho mình những hành trang thiết yếu cơ bản. Về ngôn ngữ: Tiếng Anh học thuật cung cấp những kiến thức ngôn ngữ thường được sử dụng trong môi trường học tập như viết luận, nghe giảng …là bước chuẩn bị đầu tiên. Trên nển tảng đó tập trung luyện thi TOEFL/IELTS sao cho hiệu quả, khắc phục được những điểm yếu của sinh viên Việt Nam trong từng kỹ năng, tối ưu hóa điểm số từng phần của bài thi để có tấm hộ chiếu đầu tiên đến giảng đường quốc tế.“Các em học sinh cần phải ý thức được việc đạt được điểm cao TOEFL, IELTS chưa phải là điều kiện đủ để các em có thể tự tin khi du học. Điều quan trọng nhất là các em học tiếng Anh một các thực chất để có thể tự tin làm chủ ngôn ngữ trong môi trường học tập quốc tế”. Đó cũng chính là lý do một số trường đại học nước ngoài khuyến khích sinh viên tham gia khóa học tiền đại học, các khóa foundation hoặc khóa dự bị IFY để có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản trước khi vào học đại học chính thức.
(http://duhoctrungquoc.vn/tin-moi/khac-biet-co-ban-giua-truong-pho-thong-trong-nuoc-va-dai-hoc-nuoc-ngoa/)