Hành trình du học: Kinh nghiệm luyện thi IELTS – Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
Tại sao mình viết?
Mình đã định viết về hành trình học tiếng Anh và kinh nghiệm apply học bổng khi biết tin được học bổng Năng lực lãnh đạo (ALA) của chính phủ Úc. Nhưng phần thì lúi búi chuẩn bị khăn gói quả mướp vượt đại dương, phần lại muốn kiểm nghiệm thêm một thời gian nữa …cho đến hôm nay – khi đã hoàn thành chương trình thạc sỹ về Tăng trưởng Xanh và Phát triển bền vững, ngẫm nghĩ và rút ra được một số điều trong quá trình học tiếng Anh, mình muốn chia sẻ với các bạn với mong muốn các bạn đi xa hơn, nhanh hơn và ít vấp váp hơn mình. Và hơn hết, mình muốn nhắn nhủ: nếu bạn có ước mơ/đam mê gì đó, hãy bắt tay vào làm và kiên trì thực hiện từng bước một, bởi vì “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.
Kinh nghiệm học tiếng Anh, luyện thi IELTS, apply học bổng và học tập ở nước ngoài có rất nhiều. Chỉ cần google với các từ khóa “kinh nghiệm luyện thi IELTS” “kinh nghiệm học tiếng Anh”,….sẽ có rất nhiều bài viết của các bạn đi trước đúc kết lại, dành thời gian để đọc và note lại những ý kiến hay thì cũng hòm được kha khá làm vốn lận lưng để khỏi bở ngỡ về phương pháp. Tuy nhiên trong quá trình luyện thi và apply học bổng sẽ có rất nhiều khó khăn và vấp váp, có người vượt qua được và đi tiếp, có người phải bỏ cuộc chơi. Những khó khăn đó là gì, làm thế nào để vượt qua những khó khăn này để đi đến đích? Một loạt bài viết của mình về chủ đề này sẽ lần lượt lột tả những vấn đề đó.
Khả năng Anh văn của mình lúc bắt đầu: Học nhiều nhưng vẫn mất căn bản.
Những kinh nghiệm của mình có lẽ phù hợp cho những bạn không được học Anh văn bài bản từ hồi phổ thông nhưng vẫn khát khao học và sử dụng được tiếng Anh. Mình bắt đầu học tiếng Anh từ hồi lớp 6. Cô giáo mình vừa mới tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, dáng cao, tóc dài, đẹp mộng mơ, viết trên bảng chi chít chữ. Mình nhớ như in các buổi học tiếng Anh đầu tiên, ngồi viết lại các phiên âm mà y chang ngồi vẽ nốt nhạc, khó kinh !!!. Rồi lên lớp 8, ba mình cho đi học tiếng Anh Headway A buổi tối. Ba mình nói con phải giỏi tiếng Anh mới có tương lai, mình hăm hở đi học dẫu không biết cái “tương lai” nớ a răng. Lên cấp 3, chương trình tiếng Anh hệ 7 năm khó như ma, điểm kiểm tra toàn vớt vát 6 với 7.
Chương trình Anh văn Đại học dễ hơn cấp 3 nên mình lại nổi. Trước thi học kỳ, mình hay “gia sư” cho các bạn trước khi thi và chuẩn bị thi lại. Trong suốt thời gian cấp 2,3, Đại học lúc nào cũng học Ngữ pháp tiếng Anh hết: thì hiện tại, quá khứ, tương lai, hiện tại hoàn thành, quá khứ hoàn thành…. Cú pháp mình thuộc răm rắp, đặt câu tạm tạm, nhưng viết hay nói một đoạn vận dụng các thì này thì mình rối, không làm được. Vậy là sau tròn 10 năm học Anh văn, thi đầu vào của mình là cấp độ 4, khoảng 4 điểm IELTS với khả năng phát âm kinh hoàng, không ai hiểu nổi, nghe hội thoại không điền được vì không hiểu người ta nói cái chi dù nghe rõ mồn một từng từ. Tóm lại mình phải bắt đầu từ đầu. Mà bắt đầu từ tờ giấy trắng còn dễ hơn là bắt đầu từ tờ giấy viết nhiều nhưng sai tè le, phải tẩy cái sai đó và viết lại, gian nan lắm. Khi mình động viên các bạn học AV thì các bạn nói tại mình có kiến thức sẵn rồi nên bắt đầu dễ. Thực ra không phải như vậy, biết mà biết sai còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với chưa biết và bắt đầu học mới từ đầu.
Xác định tư tưởng: thi được IELTS 6.5 là một việc khó nhưng ai cũng có thể làm được miễn có quyết tâm
Giới hạn duy nhất chính là suy nghĩ của chính bản thân mình. Nếu mình tự tin vào bản thân sẽ làm được, thì không có gì có thể cản trở được hết. Hầu hết các trường ĐH và chương trình học bổng đều chấp nhận IELTS 6.5, không có môn nào dưới 6 để cấp thư nhập học và cấp học bổng cho sinh viên.
Phương pháp học mỗi người mỗi kiểu, kiểu nào cũng được, miễn là mình thích phương pháp đó thì cứ làm. Làm một thời gian nếu không thích nữa thì chuyển sang phương pháp khác. Phương pháp này thành công cho người khác chứ chưa chắc đã tốt với mình. Nhưng đã chọn phương pháp nào thì nên kiên trì áp dụng một thời gian khoảng 1 -2 tháng xem thế nào, vượt qua được giai đoạn này, mình sẽ biết được mình cần cái gì cho thời gian tiếp theo.
Trong số những người muốn học Anh văn, chỉ có 10-20% vượt qua được giai đoạn 1-2 tháng đầu, và đây chính là những người có khả năng đi đến đích cao. Giống như đẩy một tảng đá vậy, đầu tiên mình sẽ mất rất nhiều sức, nhưng khi hòn đá đã lăn, mình sẽ ít dùng sức hơn. Học AV cũng vậy, khó khăn nhất là vượt qua được giai đoạn thử thách ban đầu, khi có đà thì sẽ thấy dể thở dần dần và chuyển sang thích học.
Lập và bám sát kế hoạch đề ra, kỷ luật bản thân
Mình mất 7 tháng để luyện IELTS ở trung tâm ELI Đà Nẵng, vừa học vừa đi dạy kèm Anh văn. Luyện IELTS rất cần tập trung cả về thời gian và kiên trì trong suốt quá trình học. Thường học 1 tuần 3 buổi, 1 buổi từ 1,5h nên chủ yếu là tự học, lên lớp chỉ là môi trường để tương tác với các bạn trong lớp, nếu mình trông chờ từ thầy thì khó để đạt được điểm số mong muốn.
Mình lập kế hoạch theo tháng và theo tuần. Ví dụ theo tháng thì mình đề ra trong tháng này mình cần học xong những quyển sách nào. Thường 1 quyển sách mình làm đi làm lại từ 2-3 lần mới kỹ nên nếu như lần đầu cần 1 tuần để học xong, thì lần hai chỉ cần 2-4 ngày và các lần học sau mình mới hiểu những chổ mà lần học thứ nhất mình chưa hiểu rõ, và thường đó là những cái quan trọng. Danh mục các sách học IELTS các bạn có thể google, các bạn đi trước đều có phân loại theo các trình độ. Nếu bạn nào ở Huế, ĐN mình sẽ cho mượn photo vì các em mình đang giữ.
Mỗi sáng đến trường mình viết ra kế hoạch cho buổi sáng ra một tờ giấy nhỏ để trước mặt, đặt thêm cái đồng hồ, từ mấy giờ đến mấy giờ học cái chi cái chi. Nghe nói đọc viết cứ luân phiên nhau mỗi thứ một ít, nếu học tập trung một kỹ năng trong một thời gian hơn 1 tiếng thì buồn ngủ vô cùng. Mà khi buồn ngủ quá thì mình gục mặt xuống bàn ngủ chút, tỉnh dậy học tiếp, tiếp thu sẽ nhanh hơn (không sợ xấu hổ, hề hề). Lập kế hoạch tương tự cho buổi chiều. Buổi tối học tự do, thích chi học nấy và làm những phần không đạt trong kế hoạch của cả ngày.
Kinh nghiệm của mình khi lập kế hoạch là không được THAM: đặt vừa sức mình để có thể hoàn thành. Nếu đặt vượt sức thì mình sẽ không hoàn thành được trong buổi này, kéo theo không hoàn thành trong buổi tới, cứ như vậy mình sẽ đuối…và sẽ lập lại kế hoạch khác . Khi đã lập ra thì kiên quyết làm bằng được, mình tự nhủ nếu mình không làm được vì những lý do không chính đáng (bạn bè rủ rê, lướt net…) thì thấy mình không trung thực với chính mình, nói một đường làm một nẻo…và mình sợ cảm giác mình tự lừa dối mình nên phải cố gắng làm cho được mới thấy thanh thản.
Một điều quan trọng nữa trong thời gian học là nên hiểu năng suất lao động của con người tăng theo đồ thị hình sin, nó tăng lên đạt maximum rồi giảm xuống. Mình không muốn nó giảm xuống chạm đáy thì phải tác động lúc nó đang trên đà giảm xuống bằng hoạt động chân tay: chạy ra ngoài, tung quả banh, đi dạo…tránh ngồi lỳ một chổ trong thời gian quá 45 phút. Check facebook, chát, lướt net không phải là hoạt động giải trí, lúc đó não vẫn làm việc và như vậy năng suất lao động của mình sẽ giảm dần, giảm dần và ….chạm đáy. Do vậy mình thường chia mỗi nội dung học 45 phút, chạy ra ngoài múa máy nói chuyện 15 phút rồi vào học tiếp. Học 45 phút chưa mệt vẫn nghĩ để tránh năng suất chạm đáy.
Điện thoại luôn luôn để ở nhà.
Trình tự học một ngoại ngữ mới nên là: Nghe – Nói – Đọc – Viết
Mãi về sau mình mới phát hiện ra mình đã học và được dạy sai phương pháp, sai trình tự. Một đứa trẻ khi sinh ra nó sẽ nghe trước, người lớn nói chuyện là chúng nó hóng tai lên nghe, mặt cười cười, đó là gia đoạn tích lũy về ngôn ngữ thông qua nghe. Sau đó đến 3-4 tuổi nó sẽ nói bập bẹ nói theo người lớn, 5-6 tuổi nó lại đi học viết, rồi mới đọc. Vậy trình tự học ngôn ngữ của một đứa trẻ là nghe-nói-đọc-viết. Trong khi đó ở trường, học sinh lại được dạy theo trình tự ngược lại. Làm ngược lại với quy trình tự nhiên của việc học môn ngôn ngữ mới sẽ hạn chế khả năng học của bản thân rất nhiều. Khi xác định mình đi sai trình tự, phải dừng lại và khởi động lại từ đầu, không nên đi tiếp nữa. Vậy nên, phải bắt đầu từ việc học nghe.
Nhưng học nghe là khó nhất, đòi hỏi kiên trì nhất. Các bạn mình hay hỏi cách học AV. Mình góp ý với các bạn là phải học nghe trước, nghe kiên trì và liên tục trong vòng 6 tháng. Khi làm được như vậy, ngữ pháp, phát âm, ngữ điệu và từ vựng sẽ theo đó mà ngấm dần dần. Hơn 90% các bạn của mình không thể theo được phương pháp này trong tháng đầu tiên vì hiệu quả quá mơ hồ. Nhưng thực sự, đó là cách hiệu quả nhất, theo mình, để cải thiện tiếng Anh, sau khi áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau được chắt lọc từ các kinh nghiệm của người đi trước qua đọc sách, tham khảo ý kiến của bạn bè và google.
Vậy nghe như thế nào: Các bài trong phần Learning English của BBC hay VOA rất hữu ích, phát âm chậm rãi, chuẩn, các bài ngắn, có transcript. Thầy giáo chủ nhiệm ĐH giúp mình học AV bằng cách thầy chọn down một bài bất kỳ trên VOA, chỉ đưa cho mình file audio, không đưa transcript, nói mình về nghe rồi viết ra bằng tiếng Việt bài đó nói cái gì. Đó là bước đầu luyện cho mình tính kiên trì, nghe đi nghe lại một bài như cháo mà không chán. Nhưng khi ngủ thì nhớ tháo tai phone ra khỏi tai, nếu không sáng mai dậy sẽ đọa luôn. Ngoài ra trang TED.com có rất nhiều bài nói chuyện hay, là nguồn ý tưởng mới và phong phú cho bài viết và nói (highly recommended)
Trong quá trình luyện IELTS, mình sắm một cái mp3, down các bài trên VOA và BBC về để có giọng Anh và Mỹ lẫn lộn, tránh bị khớp khi vô thi. Down cả trăm bài như vậy, chèn rải rác là các bài hát tiếng Anh mình thích để làm cho mình khỏi chán khi nghe liên tục các bài text. Buổi sáng mở mắt ra là lật đật cắm tai phone vào tai rồi làm chi thì làm, đi học đạp xe đạp cũng cắm vào tai, rửa chén bát cũng cắm, đi WC cũng cắm nốt. Nói chung là mình hạn chế nói tiếng Việt, tranh thủ nghe tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi. Làm liên tục 6 tháng như vậy, tiếng Anh của mình tiến bộ lên một bước rõ rệt, các kỹ năng khác theo đó cũng tiến bộ dần và tốc độ học nhanh hơn đáng kể.
Trước khi bắt đầu học tiếng Anh, mình đọc một số sách về phương pháp, điển hình là quyển “Em phải đến Harvard học Kinh tế” do bố mẹ của Lưu Diệc Đình viết. Phương pháp mà em ấy và mẹ áp dụng rất công phu, bài bản, bắt đầu từ lúc còn nhỏ. Mình cũng google phương pháp học tiếng Anh, kinh nghiệm luyện IELTS,….google ngồi đọc cả tuần, note lại những phương pháp hay và lần lượt áp dụng. Mình rút ra là nên bắt đầu học Anh văn bằng học nghe, đó là cách làm hiệu quả và khôn ngoan.
Không nên “đi tắt đón đầu”, đốt cháy giai đoạn khi luyện IELTS
Một sai lầm rất lớn của mình lúc luyện IELTS là bắt cứ cầm quyển đề IELTS Cambridge ra làm, nghe hoài không lên, đọc hoài không lên, chỉ làm cho mình đuối thêm và nghi ngờ về năng lực học của chính bản thân mình. Sau hai tháng ròng rã theo luyện bộ sách này mà không có kết quả, mình quyết định bỏ, chuyển hướng sang những bài nghe dễ hơn trong sách Listen In 2,3; đọc các mẫu báo nhỏ, mẫu quảng cáo, đọc truyện ngắn, đơn giản. Sau 1 tháng làm như vậy, quay lại giải đề trong quyển Cambridge, điểm số tăng gấp đôi. Sau đó mình nghe các quyển đề thi IELTS nhưng dễ hơn như IELTS preparation, IELTS on track, IELTS listening. Dần dần như vậy, một tháng trước khi thi mới quay lại làm bộ đề của Cambridge.
Kinh nghiệm rút ra: khi thấy phương pháp học hiện tại chưa hiệu quả, quay về học cái đơn giản hơn, cấp thấp hơn rồi trở lại với các phương pháp khác. Bởi vì IELTS nó đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ nên kiến thức nền rất quan trọng, không có kiến thức này thì khó đạt điểm cao trong IELTS. Và sai lầm của mình lúc học là chăm chú vào đạt điểm cao trong IELTS mà không đầu tư vào xây dựng kiến thức nền tảng, nên mình đã thất bại, mất nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa này. Mình liên tưởng đến quy luật chất và lượng trong triết học, cứ từng bước xây dựng nền tảng tiếng Anh trên cả 4 kỹ năng, khi tích lũy khá cứng rồi chuyển qua luyện các bộ để IELTS sẽ nhanh hơn, không nên làm ngược lại. Nếu không, cứ thi hoài điểm khó mà lên được, khi bị thiếu môn này, khi bị thiếu môn khác vì chưa đủ lượng để tạo ra bước nhảy dẫn đến thay đổi về chất-thể hiện ở điểm thi IELTS.
Xây dựng từ vựng và kiến thức nền như thế nào?
Cả bốn kỹ năng IELTS yêu cầu người thi phải có kiến thức về tự nhiên và khoa học xã hội khá rộng mới có thể nghe hiểu, nói, đọc và viết dễ dàng. Yếu điểm của mình là mình thiếu kiến thức về âm nhạc, hội họa, nghệ thuật, bảo tàng, du lịch. Thiếu trầm trọng !!!!!. Nhìn vô câu hỏi là cứng miệng, không biết nói chi hết. Và cái yếu lớn nhất của miềng là khả năng miêu tả, trình bày. Tích lũy từ vựng đã khó nhưng làm thế nào để phối hợp các từ với nhau để tạo thành câu, đoạn. Cái này mất rất nhiều công sức.
Mình sắm một quyển vở dày, giấy đẹp. Chia ra các chủ đề theo quyển Vocabulary for IELTS: Giáo dục, Khoa học – công nghệ, Môi trường, Du lịch, Nghệ thuật, Xã hội, Y tế…. Mỗi lần mình đọc trên báo, lượm lặt trong các bài nghe, đọc được trong sách đâu đó có những cụm từ hay thì ghi lại theo các chủ đề này. Mỗi chủ đề thu gom được 3-5 trang từ vựng là có thể nói và viết được kha khá.
Sau khi gom từ vựng, hàng ngày mình giở vở ra coi, cứ coi đi coi lại cho những từ này ngấm vào đầu. Thường mình làm việc này vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Rồi mình đặt câu, viết thành đoạn. Khi viết đừng thiệt thà quá, có răng nói rứa, không có răng nói sún mà cứ bịa chuyện một chút, cứ tưởng tượng một chút và viết cho dài dài ra. Dần dần như vậy, mình đã cải thiện khả năng miêu tả và viết của mình. Một điều rất quan trọng nữa là không nên chép theo mẫu câu ai đó đã làm vì examiner được đào tạo để phát hiện cái này. Nên cứ phát triển khả năng ngôn ngữ của chính mình chứ không nên copy của người khác: bản thân mình không tiến bộ mà examiner thường không cho điểm cao. Đó là lý do các bạn Tàu của miềng tốt nghiệp xong, ở lại cả năm trời luyện IELTS, thi 5-6 lần mà không đạt được điểm mong muốn vì các bạn học theo các bãi mẫu đã được sinh viên Tàu lan truyền khá rộng rãi trong cộng đồng của mình. Mình cũng xin copy các bài mẫu này cho em gái, không biết có phải nó học theo mấy bãi mẫu này hay không mà điểm thi lần 2 thấp hơn cả lần 1. Lý do đơn giản là examiner được đào tạo để nhận dạng các bài viết và bài nói mẫu này, nên khi mình mở miệng ra nói, khả năng rất cao là người ta biết mình học theo tài liệu nào, nên họ không thể cho điểm cao. Giáo dục phương Tây chú trọng khả năng tư duy độc lập nên họ không chấp nhận học vẹt cũng là điều dễ hiểu.
Kỹ năng nói và viết IELTS: luôn luôn “đứng trên hai chân”
Phần hai bài viết và phần 3 bài nói thường yêu cầu thí sinh đưa ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề nào đó. Để đạt 6.0 trở lên điểm viết và nói, nhất định mình phải có quan điểm (argument) riêng của riêng mình. Thiếu cái này thì dù bài viết có hay đến mấy, khó mà đạt được điểm 6. Đưa ra quan điểm của chính mình đối với một cấn đề xã hội nào đó rất khó bởi vì từ nhỏ mình toàn được đào tạo theo phương pháp học thuộc rồi trả bài, ít đưa ra ý kiến chủ quan của mình và dùng lý lẽ mạnh để bảo vệ nó. Vậy làm thế nào để phát triển khả năng này?. Mình search trên google với các key words là đề bài rồi đọc và note lại những ý, quan điểm mà mình thích và ủng hộ. Khi đọc báo, có ý gì hay thì ghi lại, hoặc trong quá trình làm bài đọc hay nghe nếu thấy có ý chi hay cũng note lại. Ghi vào một sổ phát triển từ vựng theo các chủ đề, phát triển vốn từ vựng, sau đó tự đặt câu và viết thành đoạn. Việc này mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, nhưng đó là cách rất tốt để hệ thống lại những cái mình đã học, rất hữu ích trong việc phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh.
Có hai lý do mình nên viết và nói ở thể đứng hai chân: phân tích một vấn đề, quan điểm trên cả hai mặt tốt và xấu.
+ Thứ nhất: Khi viết và nói dùng hai chân như vậy, mình sẽ viết được dài và nhiều, đảm bảo đủ 250 từ cho tast 2. Nếu viết dư vừa phải thì không bị trừ điểm nhưng nếu thiếu từ thì bị trừ điểm.
+ Thứ hai: Giáo dục phương Tây nói chung khuyến khích sinh viên suy xét sự việc/hiện tượng trên nhiều khía cạnh khác nhau. Cái này nó làm nền tảng cho critical thinking, một kỹ năng rất quan trọng để thành công trong môi trường học thuật phương Tây.
-Không nên học theo các bài viết và bài nói được điểm cao trên mạng và trong sách (vì những bài này trình quá cao, do các examiner hoặc các bạn thi điểm cao viết), mà cứ phát triển khả năng ngôn ngữ của mình theo cách bình thường, tự nhiện, sức mình đến đâu dùng đến đấy: sử dụng các điểm ngữ pháp thông dụng, dùng nhiều thì hiện tại hoàn thành, sử dụng cấu trúc câu câu đơn và câu phức với các đại từ quan hệ (who, whom, which, that) để làm câu dài ra. Về cấu trúc bài viết: Lập một sườn bài cho tast 2: mở bài có mấy câu, thân bài có hai đoạn, mỗi đoạn có mấy câu, mấy ý?. Chuẩn bị cho mình một số mẫu câu thông dụng dùng trong phần này đến lúc phát đề may ra viết mới kịp. Chú ý dùng nhiều các liên từ (trong bài thi IELTS được khuyến khích dùng nhiều nhưng khi đi học làm assignment hoặc viết luận văn thì không nên dùng liên từ nhiều. Các thầy cô hay gọi đấy là “Hội chứng IELTS”). Những kỹ thuât đơn giản này có thể giúp bạn đạt điểm viết và nói ít nhất là 6.
Đầu vào và đầu ra
Một điểm quan trọng nữa là đầu vào (input): nghe, đọc nhiều thì đầu ra (output): viết, nói theo đó cũng nhiều lên. Do vậy muốn nói và viết tốt thì phải tăng cường nghe và đọc để lấy thông tin. Hai quá trình này bổ sung qua lại cho nhau và nên làm song song. Nghe không chỉ có các đề trong sách luyện thi IELTS mà nghe từ nhiều nguồn khác nhau để lấy ý tưởng cho bài viết và bài nói. Hơn nữa accent trong các đề luyện IELTS là giọng Anh chuẩn, nếu mình chỉ nghe giọng này thì khi có giọng Úc hay giọng Mỹ, mình sẽ bị khớp. Trường hợp này hay gặp trong phần 1 bài nghe, câu hỏi dễ, yêu cầu dễ nhưng chỉ cần giọng Úc hay Mỹ nói thì mình hay bị khớp vì thấy lạ. Mà khớp phần 1 nếu không lấy lại bình tĩnh nhanh chóng thì 3 phần nghe sau rất dễ bị đứt. Vì vậy nghe giọng Úc trên Behind The News, nghe giọng Mỹ ở VOA và nghe giọng Anh ở BBC. Down các bài nghe trên các kênh này về, trộn lẫn với nhau rồi nghe dần dần cho quyen với các accent.
Khi luyện nghe mình hay nghe bằng tai phone cho tập trung, nhưng trước khi đi thi một tháng thì nên mở loa ngoài ra nghe cho quen. Hình như ở trong Sài Gòn Hội đồng thi cho đeo tai phone, còn ở Đà Nẵng thì mở loa, vẫn rõ ràng nhưng nếu không làm quen trước cộng thêm tâm lý căng thẳng cũng rất dễ bị khớp.
Luyện viết IELTS: Viết nhiều sẽ tiến bộ dần dần
Luyện viết, nhất là tast 2 cũng đòi hỏi kiên nhẫn như môn nghe vậy. Cái khó nhất trong môn viết là thiếu ý tưởng và cách để đắp lỗ hổng này là đọc nhiều và nghe nhiều. Khi luyện một tuần mình viết 2-3 bài, đến đoạn gần thi thì mỗi ngày viết một bài. Viết xong đưa cô giáo sửa, thường cô sửa không nhiều ngoài các mạo từ vì mình viết dỡ quá. Cách sửa tốt nhất chỉ có đường viết lại, mà viết lại thì cô không có thời gian. Nên đến khi cô trả bài cho mình, cô trả một xấp khoảng chục bài trong sự trầm trồ than phục của bạn cùng lớp, chỉ có cô với mình mới biết mình viết dở như thế nào, hề hề. Nhưng kệ, mình cứ viết và cứ như vậy, khả năng viết cũng cài thiện dần dần. Sau này mình mới biết khi tăng số lượng thì chất lượng cũng cải tiến theo. Đó là phương châm trong đào tạo tiến sỹ của một số nước mình biết: Hàn, Nhật…Cứ làm cật lực, xuất bản paper càng nhiều càng tốt, chất lượng paper cũng theo đó dần dần tăng lên theo số lượng. Vậy nên cứ viết, viết và viết liên tục thì khả năng viết sẽ theo đó cải thiện. Nhưng đặt mục tiêu thì dễ mà đạt được mục tiêu mới khó. Để theo được mục tiêu, mình có một nguyên tắc là “trung thực với chính bản thân mình”, nghĩa là khi mình đã hứa thì nhất định phải làm, nếu không làm thì có cảm giác tội lỗi với chính mình, giống như tội lừa dối với chính bản thân mình vậy. Khi đặt ra nguyên tắc như vậy nếu mình không thực hiện thì tự hỏi mình: mình không trung thực với chính bản thân mình, không tôn trọng lời hứa với chính bản thân mình thì còn ai tôn trọng mình? Mình sợ cảm giác đó nên buộc phải làm. Và khi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu (khoảng 20 bài viết) thì các bài sau viết dễ hơn nhiều. Trong suốt giai đoạn luyện thi mình viết khoảng hơn 100 bài. Nếu có ý tưởng thì viết lại các bài đã viết, mình tiến bộ dần dần theo cách đó.
Nhìn cái đề thì rất khó mà có ý tưởng để viết, nhưng hãy đặt bút xuống, gạch vài dòng chia làm hai đoạn tương ứng với hai vấn đề. Mỗi vấn đề phân tích cả hai mặt tốt/xấu, đúng/sai. Như vậy phần thân bài sẽ có 4 ý tương ứng với hai đoạn. Tiếp đó phân tích tại sao lại có 4 ý đó và cho ví dụ. Như vậy phần thân bài coi như xong. Phần mở bài và kết luận cứ theo một kiểu chung đã được soạn trước ở nhà. Khi làm được như vậy thì vào phòng thi mới viết kịp cả hai bài trong vòng 50 phút, còn lại 10 phút để sửa lỗi chính tả.
Tóm lại, mình xác định IELTS 6.5 không phải là việc dễ (nhất là với mình, mất kiến thức căn bản, bắt đầu từ tờ giấy viết nhiều nhưng sai, phải tẩy đi để viết lại) nhưng là việc có thể làm được. Để làm được cần có thời gian, phương pháp, trình tự và quan trọng nhất là ý chí. “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Mình chúc các bạn có thật nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn trong quá trình học, theo đuổi ước mơ du học của bạn, cho bạn và cho gia đình các bạn.
(http://followyourdreamblog.wordpress.com/)