“Cao thủ” du học chia sẻ về “con đường Mỹ”
Du học ở Mỹ không chỉ có mỗi “màu hồng” nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ. Bởi thế, khi lựa chọn hướng đi này nhiều bạn chưa hình dung hết các sắc màu khác đang chờ đợi mình.
Khi còn là sinh viên tại Mount Holyoke, chị Võ Thị Minh An (trái) từng giành giải thưởng Outstanding Commitment Award do quỹ Clinton Global Initiatives tài trợ để thực hiện dự án tài chính vi mô cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Trị.
Hãy nghe các “cao thủ” du học từ các trường ĐH ở Mỹ chia sẻ những sắc màu vui buồn cũng như những góc nhìn được mở rộng từ ghế nhà trường đến khi lập nghiệp tại buổi trò chuyện “Từ ước mơ đến hiện thực” với hàng trăm học sinh tại TPHCM.
Võ Thị Minh An (Cử nhân Đại học Mount Holyoke): “Bạn phải khác biệt”.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ lo lắng khi đi du học, nếu mình chỉ khư giữ cái của mình thì sẽ rất khó hòa nhập. Nhưng nếu thay đổi, tiếp nhận những cái mới cũng rất dễ mang tiếng “Mỹ hóa”. Hai khía cạnh này nên được cân bằng như thế nào?
Đây là băn khoăn của rất nhiều bạn du học sinh. Với những bạn chưa quen cuộc sống tự lập ở một nơi xa gia đình, xa bố mẹ nên các bạn dễ co cụm lại với một nhóm màcác bạn thấy thoải mái. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, môi trường học tập nước ngoài, quan trọng nhất là bạn tạo nên sự khác biệt.
Nếu co cụm trong nhóm quen thuộc, trong một vòng tròn an toàn của những người tương đồng sẽ khó làm nên sự khác biệt. Mỗi người chúng ta là một cá thể đặc biệt và khi tách mình ra, đứng với những người khác biệt thì chúng ta sẽ khác biệt. Cần có người khác biệt để chúng ta biết mình khác biệt thế nào.
Các bạn hãy tự trả lời câu hỏi nếu bạn từ bỏ hết các giá trị các giá trị mình có được mười mấy năm qua trong gia đình, xã hội, bạn bè và hấp thụ hết tất cả những gì ở môi trường mới thì liệu các bạn có còn là mình, có sự khác biệt nữa không?
Lê Ngọc Duy Thắng (Cử nhân Đại học Wesleyan): “Du học cần được xem là “khoảng thời gian đầu tư xứng đáng””.
Khi đến một môi trường với nền văn hóa mới sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách trong thời gian ban đầu, đặc biệt là “cú sốc” về ngôn ngữ. Vì thế khi ở Việt Nam, các bạn hãy cố gắng xây dựng nền tảng tiếng Anh thật tốt để bắt nhịp cuộc sống một cách nhanh nhất, có thể tranh luận trong lớp. Nếu không nói được, không nghe được sẽ rất thiệt thòi cho mình.
Anh Lê Ngọc Duy Thắng là thành viên tham gia sáng lập CLB cựu du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Việc hòa nhập vào môi trường văn hóa đòi hỏi bạn phải tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp, của trường. Khi có điều kiện tương tác, làm việc với bạn bè quốc tế mình sẽ học được rất nhiều về cách làm việc, cách giao tiếp và giúp mình rèn luyện sự tự tin.
Hãy chủ động trong tất cả mọi việc như giao tiếp với bạn bè, tìm kiếm, tận dụng các cơ hội để hòa nhập, cơ hội thực tập. Sẽ không ai chỉ dẫn các bạn phải làm cái này, làm cái kia.
Đừng vội nghĩ rằng mình phải học hết sức, học căng thẳng thì sau khi học xong sẽ có một tương lai tương sáng. Khi đi làm bạn mới là lúc bạn bận rộn, nhiều áp lực nhất cho nên ngay từ lúc này bạn phải biết thu xếp thời gian. Đừng để rơi vào tình trạng học đến mức mà bố mẹ gọi điện sang phải nghe con học nhiều quá không có thời gian nói chuyện với bố mẹ.
Nên có kế hoạch cụ thể thời gian của mình, mục tiêu trong việc học, công việc trong từng giai đoạn và ở thì tương lai. Nếu không bạn sẽ bỏ quên rất nhiều việc hay có thể sẽ sa vào những việc không đáng.
Trần Quốc Khánh, Thạc sĩ từ ĐH La Salle: “Con đường quay về nặng kỳ vọng”
Cũng như lúc qua Mỹ, khoảng thời gian đầu quay về nước sẽ có nhiều trúc trắc để tái hòa nhập, thích nghi lại với môi trường. Tiếng Anh là lợi thế của bạn nhưng nếu bạn coi nhẹ tiếng mẹ đẻ thì lúc này lợi thế lại là bất lợi.
Anh Trần Quốc Khánh hiện là nhà sản xuất chương trình và dẫn chương trình tại Việt Nam.
Không phải giao tiếp thông thường mà trong công việc, liên quan đến kỹ thuyết trình, trình bày ý kiến, trình bày sự việc rõ ràng, thuyết phục khách hàng bằng tiếng Việt. Nhiều bạn nói tiếng Anh rất tốt nhưng không diễn giải suôn sẻ được bằng tiếng Việt được. Điều này sẽ làm bạn mất điểm, khi đi du học bạn nên cố gắng duy trì song song giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
Ngoài ra, chính các bạn du học sinh mang rất nhiều kỳ vọng, kỳ vọng của bản thân, kỳ vọng lương cao, kỳ vọng sự chuyên nghiệp, chỉn chu, cách làm việc. Nếu bạn không cân bằng tốt các kỳ vọng đó bạn sẽ gặp trở ngại trong việc tìm kiếm việc làm hay thích nghi tại chính đất nước của mình.
Nếu quyết định trở về và thành công ở Việt Nam, khi đi học ở nước ngoài các hãy cố gắng cập nhật và kết nối các sự việc, thông tin, nhất là các vấn đề liên quan đến chuyên ngành của mình ở trong nước qua sách báo, facebook… để hiểu và lý giải nó một cách tường tận. Bạn sẽ dễ dàng bắt tay vào công việc khi quay về.
Về các bạn cần chú yếu đến các mối quan hệ xung quanh. Đôi khi cơ hội việc làm ở ngay bên mình nhưng vì cho rằng mình đi học bên ngoài về rất “tự lập” nên các bạn coi nhẹ điều này và đánh mất cơ hội
(http://www.kienthucduhoc.com/du-hoc/xem/341/3293/1-cao-thu-du-hoc-chia-se-ve-con-duong-my)