Kinh nghiệm du học thành công
Khi du học, người xác định sẽ về nước, người thì muốn ở lại nước ngoài tìm cơ hội cho mình. Dù chọn đường nào, bạn cũng phải biết cách học tập, trau dồi nhiều kỹ năng để khoản đầu tư du học mang lại hiệu quả.
“Bạn có bằng cấp nhiều và điểm học tập cao nhưng không thể hiện chút gì qua giao tiếp, làm việc nhóm, lên kế hoạch công việc… thì làm sao khẳng định là làm việc tốt? Còn nếu vừa có bằng cấp nhiều, điểm cao, lại hội đủ các kỹ năng trên thì chắc chắn bạn sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà tuyển dụng”. Anh Nguyễn Văn Bắc, nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật xây dựng ĐH Birmingham - Anh, cho biết về những kỹ năng cần phải có của du học sinh để có thể thành công sau khi tốt nghiệp. Theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh, để làm được điều đó, bạn cần phải chọn đúng trường, ngành phù hợp với mình, tận dụng cơ hội học tập ở trường cũng như trau dồi kỹ năng nghề nghiệp…
Tận dụng mọi cơ hội học tập
Để có thể học thành công, trước hết, bạn phải chọn được ngành phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Điều này sẽ giúp bạn giữ được sự đam mê và thích thú trong quá trình học tập cũng như sự thành công trong nghề nghiệp tương lai sau này.
Lê Nữ Cẩm Lệ, sinh viên Khoa Giáo dục, Truyền thông và Khoa học ngôn ngữ ĐH Newcastle - Anh, nhìn nhận: “Việc chọn trường, chọn ngành rất quan trọng. Bạn cần biết chương trình gồm các môn học gì, những vấn đề sẽ tìm hiểu trong môn đó. Lý do là rất nhiều trường cung cấp cùng một khóa học nhưng nội dung học tập lại khác nhau”.
Du học sinh Việt Nam tại Úc tham gia hội trại mùa đông
Trong thời gian tại trường, sinh viên nên tận dụng mọi cơ hội học tập. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, thạc sĩ thương mại ĐH Sydney - Úc, cho biết: “Trang thiết bị, thư viện, thầy cô đều hỗ trợ tối đa cho việc học nhưng bạn phải là người chủ động tận dụng những nguồn đó. Nếu chủ động và biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, bạn có thể dễ dàng lập nhóm để ôn tập, trao đổi bài vở và có thêm bạn bè”.
Theo chị Trang, trong học kỳ đầu, trường tổ chức các lớp học giúp sinh viên tăng cường kỹ năng quản lý thời gian, viết bài luận, chương trình Mentor (sinh viên khóa trước giúp khóa sau trong 2 tuần đầu làm quen), Pass (các lớp học mà hằng tuần sinh viên có thể đến để được hướng dẫn việc ôn lại bài cho một số môn quan trọng)…
Ngoài việc học, sinh viên cần tham gia các hoạt động đội nhóm, chủ động dẫn dắt những hoạt động nhóm để nâng cao khả năng quản lý và làm việc nhóm. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này.
Trau dồi kỹ năng nghề nghiệp tương lai
“Tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu của nhà trường là cách sinh viên tích lũy kinh nghiệm, rất tốt khi ra trường tìm việc làm”. Đó là lời khuyên của TS Thanh Hoa, Giám đốc Khu vực cao cấp của ĐH Monash - Úc. Khả năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp… sẽ được nâng cao thông qua các hoạt động ở trường mà sinh viên tham gia.
Hiện nay, một số chương trình học cho phép sinh viên thực tập một học kỳ thay vì phải học tại trường. Kinh nghiệm này sẽ giúp sinh viên tự tin, không bỡ ngỡ khi tham gia môi trường làm việc. Nhiều bạn còn chủ động tìm các dự án hoặc công việc bán thời gian liên quan đến nghề nghiệp tương lai.
Anh Hà Thanh Tùng, tốt nghiệp cử nhân quản lý (marketing) và cử nhân danh dự ĐH Nam Úc, kể: “Trong năm cuối, tôi nhận được học bổng ngắn hạn thực hiện dự án về marketing. Sau đó, tôi thực tập marketing tại một đại lý bán xe hơi, một trải nghiệm với nhiều thách thức nhưng cũng xứng đáng. Trong suốt thời gian học, nhờ điểm cao, tôi có cơ hội phụ đạo các môn học về marketing. Tôi còn đi làm thêm với vị trí quản lý kho. Đó là những trải nghiệm đáng tự hào để thêm vào hồ sơ xin việc”.
(http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/kinh-nghiem-du-hoc-thanh-cong-2013062209516416.htm)