Kỹ năng Du học Anh
Những chia sẻ từ các cựu du học sinh tại vương quốc Anh mà hầu hết trong số họ đang là giảng viên các trường ĐH tại Việt Nam dành cho những bạn chuẩn bị hành trang học và sống tại vương quốc Anh.
Anh Chu Việt Cường, vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường ĐH West of England và hiện đang là giảng viên Trường Trung cấp Xây dựng TP.HCM, cho biết ngoài thu nhận kiến thức, điều quan trọng là anh đã học được kỹ năng trong công việc, được trau dồi tiếng Anh tại đất nước “mẹ đẻ” của ngôn ngữ này để tự tin giao lưu với bạn bè trên khắp thế giới.
Năm điều nên làm
Anh Chu Việt Cường cũng đúc kết năm điều nên làm khi học tập tại Anh đó là: Kiếm một việc làm bán thời gian sau khi đã ổn định việc học; kết bạn với bạn bè quốc tế; thường xuyên liên lạc, trao đổi với giảng viên; tham gia các hoạt động tình nguyện và hoạt động xã hội khác; đến thăm các viện bảo tàng.
Theo anh Cường, du học là để học và đừng bao giờ để việc làm ảnh hưởng đến việc học nhưng công việc làm thêm luôn mang lại cho bạn những bài học quý giá mà bạn không thể nào học được từ môi trường của trường ĐH. Và do vậy, dù bạn đến TP nào, sẽ không quá khó để tìm được một việc làm thêm ở Anh. Hãy tự tin vào bản thân, gặp trực tiếp quản lý nơi bạn muốn tìm việc là giải pháp tốt nhất trong hầu hết các trường hợp. Đừng tự ti với vốn tiếng Anh của mình khi được yêu cầu phỏng vấn, cũng đừng chê công việc được giới thiệu mà hãy cho mình cơ hội để hiểu hết việc mình đang làm… Anh Cường cũng cho biết thời gian tìm việc tốt nhất là vào Noel hoặc kỳ nghỉ hè vì sinh viên bản địa nghỉ rất nhiều vào thời gian này còn bạn thì vừa thi xong.
Còn Huỳnh Thị Phương Thuấn, vừa tốt nghiệp thạc sĩ Trường ĐH Sheffield Hallam và hiện là giảng viên của khoa Du lịch Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng: “Trong thời gian học tập và sinh sống tại Anh, tôi chỉ có một mục tiêu là tự tin, sống hết mình và làm những điều mình thích. Ngoài học hết sức và làm việc thì nên đi du lịch càng nhiều càng tốt, vì khi trở về có thể sẽ không bao giờ có cơ hội quay lại nữa nên đừng lãng phí thời gian”.
Phương Thuấn cũng cho biết để chuẩn bị cho cuộc hành trình đến với Vương quốc Anh, ngoài những điều ai cũng biết đó là tiếng Anh, tài chính và sức khỏe thì kết bạn trước với những người đang sống và học tập tại nơi bạn định đến cũng là điều cần thiết vì họ sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Ngoài ra, nên tìm hiểu một chút về phong tục tập quán, mức sống... của nơi bạn đến cũng là một việc nên làm.
Lập kế hoạch du học
Ngoài ra, bốn điều quan trọng còn lại là tìm hiểu về môi trường sống, nơi ở của bạn (chi phí sinh hoạt, an ninh, đi lại…); email hỏi trường bất kỳ điều gì bạn chưa rõ trong quá trình nhập cảnh vào Anh và đường đến trường (thủ tục visa, giấy tờ cần thiết mang theo…); lên danh sách những thứ bạn cần mang, muốn mang và sau cùng là hỏi kinh nghiệm các cựu du học sinh Anh về những thứ cần thiết để mang sang (vì bạn chỉ có 30-45 kg hành lý).
Còn cô gái trẻ 22 tuổi Hồ Hồng Bảo Trâm, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Warwick và hiện đang là chuyên viên cấp cao quan hệ cổ đông tại Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), đã ước mơ được du học từ những năm học THCS, sau khi nhận được suất học bổng du học hè sáu tuần tại Cambridge vào năm lớp 7. Khi đang học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Trâm đã tìm hiểu về các nước mà sinh viên hay đi du học như Anh, Mỹ, Úc, Singapore… và quyết định ngừng học ở trường phổ thông chỉ để học tiếng Anh.
Luôn hướng về gia đình
Hồ Hồng Bảo Trâm tâm sự: “Điều mà tôi hối tiếc nhất khi du học là ít chia sẻ với ba mẹ do học hành và cuộc sống bận rộn cuốn tôi đi. Đến khi vấp ngã, tôi vẫn thấy ba mẹ, anh trai gọi điện thoại hỏi thăm, động viên mới thấy được giá trị và tình yêu thương gia đình dù là ở xa. Ba mẹ và gia đình là những người có kinh nghiệm và họ luôn luôn cho bạn những lời khuyên đúng nhất và tốt cho bạn nhất. Cố gắng mở lòng để chia sẻ với ba mẹ. Dù gia đình ở xa nhưng luôn luôn ủng hộ các bạn”. |
(http://duhoc.dantri.com.vn/cam-nang-hoi-dap/ky-nang-du-hoc-anh-798513.htm)