Du học và 4 giá trị khác biệt khi bạn về nước lập nghiệp
Dù học ở trong nước hay đi du học, bạn cũng đều có lợi thế cho riêng mình. Vậy lựa chọn du học sẽ đem lại những giá trị khác biệt gì cho bạn khi về Việt Nam khởi nghiệp so với học tập trong nước?
So với cuộc sống bao bọc của gia đình, du học sinh phải tự xoay xở và sống độc lập từ sớm. Chưa kể đến môi trường học tập yêu cầu tư duy độc lập, kinh nghiệm làm việc thực tế buộc bạn phải học hỏi và trải nghiệm nhiều. Những năm tháng học tập ở nước ngoài sẽ tôi luyện kinh nghiệm quý giá khiến bạn trưởng thành và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.
Cao Phương Hà, cựu sinh viên Đại học Havard, hiện đang là tổng giám đốc Street Job Việt Nam tâm sự điều chị học được trong những năm tháng du học chính là thái độ “Can-do attitude”, "một sự tự tin nhất định ở bản thân. Không phải kiến thức trên ghế nhà trường hay kinh nghiệm làm việc mà chính sự tự tin tạo cho chị bản lĩnh dám nghĩ dám làm, từ đó đưa ra được những giải pháp cho một vấn đề nan giải"
Anh Hồ Quang Khánh, CEO Cùng mua chia sẻ: “Ăn thua vẫn là liều, bây giờ có học bằng MBA hay bằng nọ bằng kia, học càng nhiều thì phân tích càng nhiều, phân tích càng nhiều thì càng khó làm”. Nhưng cũng cần lưu ý “điểm quyết định sự thành công là ở sự tự tin, nhưng tự tin một cách thái quá thì cũng khó hòa nhập”.
Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp học tập khi đi du học và học tại Việt Nam. Một trong những điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu tự làm việc và phân tích độc lập. Chẳng hạn, khác với ở Việt Nam, các Giáo sư luôn muốn học sinh tự tìm hiểu và phát triển ý tưởng của bản thân nên để giao bài tập nhóm trước. Khi vấp phải vấn đề và đã thảo luận nhóm cặn kẽ, Giáo sư mới giải đáp và hệ thống toàn bộ kiến thức chính. Cách học này nhớ bài rất lâu và giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức vào thực tế.
Anh Lê Trí Thông, phó Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, cựu du học sinh Đại học Oxford cho rằng du học không chỉ là kiến thức mà chính là cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và dung hòa, cởi mở. Ở Việt Nam không khuyến khích suy nghĩ độc lập và phát triển cá tính con người, nhưng ở nước ngoài lại rất khuyến khích điều đó. Việc này giúp anh nhận ra không chỉ có một lời giải duy nhất đúng sai hoàn toàn cho một vấn đề. Quan trọng là cách làm sao để dung hòa các lời giải và tìm cách giải quyết hiệu quả nhất.
Việc đi du học không những giúp bạn mở mang kiến thức mà còn tạo nhiều lợi thế khi bạn lập nghiệp tại Việt Nam.
3. Góc nhìn mới
Đi du học bạn sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Chị Trương Thanh Thủy, CEO Greengar, cựu du học sinh Mỹ đã học được cách nhìn hoàn toàn mới từ những người bạn quốc tế của mình khi đi du học. "Chẳng hạn “khi bạn định làm một điều gì đó và một người chạy đến nói với bạn “Đã có người khác làm trước cậu rồi”, thường các bạn Việt Nam sẽ lo lắng, nhưng với những bạn được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường Mỹ thì sẽ có mong muốn làm tốt hơn nữa”.
Chị Thủy cũng nghĩ những người đánh giá thấp mình là cần thiết vì người ta cho mình thấy được thực tế. Không phải ai cũng có cái nhìn này. Người khác chỉ có thể đánh giá thấp về mình khi người ta nói ra được khuyết điểm của mình. Đó là một cơ hội để bản thân cố gắng nhiều hơn nữa. Một người khởi nghiệp cần phải biết lắng nghe những gì người khác nói. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào chính mình.
4. Cọ xát với thực tế
Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…
Anh Hồ Quang Khánh, CEO Vật giá đã làm việc cho quỹ đầu tư Mekong Capital chia sẻ rằng ngoài việc áp dụng được một phần kiến thức trên trường vào công việc, Khánh còn học được cách tổ chức công việc và kỹ năng quản lý đánh giá nhân viên: “Khi tuyển một nhân viên thì người đó phải nhìn thấy được mục tiêu chung của công ty để làm việc.
Trong một công ty thì xu hướng “co cụm” cũng dễ xảy ra, sẽ có tình trạng so sánh phòng ban nọ hơn phòng ban kia. Là người lãnh đạo thì phải luôn hướng họ về một mục tiêu chung của công ty. Không nên đổ tại người Việt như thế này hay thế khác, mà ăn thua là ở cách tổ chức để giúp họ làm tốt nhất”. Chắc chắn những kĩ năng sống còn này đã giúp anh đưa Vật giá phát triển như bây giờ.
Bất kể đi du học hay học trong nước đều có những lợi thế nhất định, nhưng bạn cần biết trường Đại học chỉ là nơi cung cấp những kĩ năng cơ bản cho sự nghiệp sau này. Kiến thức học tập trên trường ngày nay có thể tìm kiếm đầy rẫy trên Internet hay sách báo. Thậm chí bạn có thể mua giáo trình nước ngoài về tự học trên Amazon. Vì vậy điểm mấu chốt là học được cách biến những thứ chưa biết thành đã biết, cách thay đổi và thích nghi cho phù hợp với môi trường làm việc. Vì vậy học ở đâu không quan trọng bằng việc bạn đã học được gì và áp dụng như thế nào.
Anh Lê Hồng Minh, CEO VNG corporation: “Vứt bỏ tất cả và làm mọi thứ”
Trở về từ Canada, anh Minh có 2 lời khuyên dành cho các bạn trẻ dự định lập nghiệp. Lời khuyên đầu tiên về nuôi dưỡng đam mê. Anh dùng ví dụ về tình yêu để giải thích quan điểm của mình.
“Hầu hết mọi người khi yêu đều trải qua những cảm xúc đẹp đẽ ban đầu, cũng như một doanh nhân khởi nghiệp tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn thành lập đế chế của riêng mình. Nhưng tình cảm qua thời gian sẽ dần cạn khô, nên nếu chỉ có nhiệt huyết cũng không xây dựng được mối quan hệ bền vững. Theo mình, đam mê không nên chỉ là một trạng thái cảm xúc. Đam mê là dám vứt bỏ tất cả và làm mọi thứ để duy trì điều mình mong muốn. Là hành động làm thế nào để duy trì và phát triển công ty bền vững trong 9, 10 năm sau”.
Lời khuyên thứ hai của anh Minh: "Tập trung vào những kỹ năng cơ bản và làm thật tốt thay vì nói về những điều to lớn và 101 cách để phát triển và mở rộng doanh nghiệp của mình. Không giống những màn biểu diễn võ thuật tinh xảo trong điện ảnh Hollywood, những con người thực tế cần luyện tập nhuần nhuyễn các bước đi cơ bản. Nghĩ thật sâu và học hỏi kiến thức, trải nghiệm về những gì bạn muốn làm".
Anh Nguyễn Ngọc Điệp – CEO Vatgia chia sẻ: "Khi khởi nghiệp thì 100% là sẽ mất tinh thần, mất nhiệt huyết. Mất tiền thì có thể xin đầu tư, nhưng mất nhiệt huyết thì là mất hết. Khi đó, mình phải bình tâm và nhìn lại vấn đề. Điều quan trọng là ở lòng tự trọng, là ở sức mạnh tinh thần của mình. Lúc ý là lúc thử thách lòng tự trọng của mình lớn đến mức độ nào? Mình phải vứt bỏ cái tôi, vứt bỏ những suy nghĩ buồn chán để mà bước tiếp, để cố gắng. Lòng tự trọng của mình phải đủ lớn để trong mọi trường hợp, dù bị vùi dập, bị vấp ngã, thất bại thì vẫn có thể đứng dậy đi tiếp”
(http://kenhtuyensinh.vn/du-hoc-va-4-gia-tri-khac-biet-khi-ban-ve-nuoc-lap-nghiep)