Kinh nghiệm du học Mỹ của một du học sinh
Đây có lẽ là bài thú vị nhất khi cung cấp cho bạn toàn bộ kinh nghiệm trong chuyến hành trình từ Việt Nam sang Mỹ. Như một chuyến hành trình thực sự, bài viết sẽ bắt đầu bằng việc mua vé máy bay.
Mua vé máy bay
Ngay khi có visa, chắc chắn bạn sẽ bị bủa vây bởi hàng tá người phát tờ rơi ngay trước cổng Đại sứ quán. Hãy giữ những tờ rơi này, chúng thực sự hữu dụng trong trường hợp bạn không có người thân làm đại lý vé máy bay hay làm trong ngành hàng không. Hãy đặt vé càng sớm càng tốt, và nếu bạn dự định năm sau về thì nên đặt vé khứ hồi, vì thông thường vé một chiều có giá khoảng 70-80% giá vé khứ hồi. Vào mùa cao điểm, thậm chí vé một chiều đắt hơn cả vé khứ hồi.
Kinh nghiệm xương máu là hãy gọi cho tất cả các đại lý để đặt vé. Bạn hoàn toàn có quyền làm điều này. Chỉ cần cung cấp những thông tin mà đại lý vé máy bay yêu cầu để họ đặt chỗ. Nếu không quá vội vàng, hãy so sánh giá cả giữa những hãng hàng không, giữa những đại lý vé máy bay để chọn cho mình một chuyến bay tốt nhất với một cái giá rẻ nhất. Nếu bạn đến New York, Los Angeles hay San Francisco thì đó là đường bay thẳng. Ngoài ra, nếu các bạn đến vùng khác thì nhiều khi phải bay thêm một chuyến bay nội địa để đến nơi mình học. Hãy kiểm tra với các đại lý để biết được thời gian đi, thời gian chờ transit (thời gian transit lý tưởng là khoảng 4 tiếng, nếu ngắn hơn bạn sẽ phải rất vội vã, còn dài hơn thì ngồi chờ ở sân bay rất mệt mỏi).
Ở một số đại lý có uy tín, họ sẽ cử người giúp bạn làm thủ tục ở sân bay. Hãy tận dụng triệt để cơ hội này để yêu cầu chỗ ngồi (hoặc sự giúp đỡ đặc biệt – nếu bạn không tự tin với khả năng tìm đường, đọc hiểu tiếng Anh của mình). Vì sân bay ở nước ngoài rất rộng lớn, bạn có thể sẽ bị đi lạc, hoặc không tìm ra được nhà ga (terminal) nào để lên máy bay cho chuyến bay tiếp theo của mình. Khi làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, hãy nhờ nhân viên đại lý hoặc nhân viên làm thủ tục check-in giúp đỡ mình những việc này. Ngồi máy bay mười mấy tiếng rất mệt, nên hãy đến sân bay sớm để xin chỗ ngồi đẹp. Chỗ ngồi đẹp là chỗ phía đằng trước máy bay, nếu thích ngắm cảnh thì hãy xin ngồi chỗ gần cửa sổ, còn nếu muốn đi lại thì hãy chọn ghế dọc lối đi. Ghế ngồi thoải mái nhất là isle seat, hàng đầu tiên, có thể duỗi chân.
Giấy tờ
Visa, vé máy bay, passport là 3 thứ mà bạn phải chắc chắn cầm trong tay, nắm thật chặt và không để bị mất. Nên xếp chúng gọn gàng, để trong một folder và giữ trong hành lý xách tay của mình. Khi gần đến Mỹ, tiếp viên hàng không sẽ phát 2 loại giấy tờ cho bạn (1 tờ màu trắng sữa và 1 tờ màu trắng tinh). Tờ màu trắng tinh là cực kỳ quan trọng, đó gọi là I-94, giấy nhập cảnh của bạn tại Mỹ đấy. Điền đủ thông tin vào hai giấy này ngay khi còn ngồi trên máy bay để không mất thời gian khi làm thủ tục nhập cảnh. Đừng quá lo sợ khi bạn xuống máy bay và chẳng biết đi đâu, hãy cứ đi theo đoàn người cùng chuyến bay với bạn (với điều kiện máy bay đã đáp xuống Mỹ). Còn nếu ở trạm transit ở Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc hay Nhật thì nên nhìn vào bảng chỉ dẫn cho chữ Transit thì đi theo đoàn người rẽ sang hướng đó.
Nên mặc quần áo rộng rãi để dễ đi lại. Khi máy bay cất cánh sẽ bị ù tai, lúc này hãy nuốt nước bọt để cảm thấy dễ chịu hơn.
(http://www.nhatanh.vn/20100616358/Cam-nang-du-hoc/Kinh-nghiem-du-hoc.htm)